Những biểu hiện của người mắc chứng nghiện làm việc
(Chìa khóa thành công) Say mê công việc là một phẩm chất tốt, nhưng nghiện việc lại có thể bị xem như một chứng bệnh cần phải được điều trị.
Những biểu hiện của người mắc chứng nghiện làm việc |
Dưới đây là 17 dấu hiệu của một người nghiện việc. Hãy xem xét xem bạn có rơi vào trạng thái này hay không để có sự điều chỉnh cho hợp lý:
1. Bạn là người tới văn phòng đầu tiên và là người cuối cùng ra về mỗi ngày làm việc
Bạn có thể nghĩ: “Mình thích đến sớm vì văn phòng yên tĩnh và mình có thể tập trung” hoặc “Mình thích ở lại muộn để sắp xếp công việc ngày mai”. Nhưng hãy thận trọng nếu cả việc đến sớm lẫn về muộn diễn ra đồng thời. Chẳng ai muốn lúc nào cũng làm việc vượt thời gian cả.
2. Bạn làm việc xuyên giờ ăn trưa mỗi ngày
Bà Stephanie Marston, một chuyên gia về stress và sức bền trong công việc, nói: “Nhiều người tin cách tốt nhất để làm thêm được việc làm kéo dài thời gian làm việc. Nhưng sự thật là năng suất lao động của chúng ta tốt hơn khi có thời gian nghỉ ngơi mỗi ngày”. Việc bạn thường xuyên ăn trưa ở bàn làm việc có thể là một dấu hiệu đáng cảnh báo về sự nghiện việc. Hãy dành thời gian để nghỉ ngơi thực sự trong bữa trưa bất cứ khi nào có thể.
3. Bạn không có thú vui thực sự nào
Nếu ai đó hỏi bạn xem bạn làm gì để giải trí, và câu trả lời của bạn là “Tôi thích đọc” - khi thứ bạn đọc là các báo cáo liên quan tới công việc, hoặc “Tôi thích tập thể dục” - khi mà bạn thường đọc báo cáo khi đang tập chạy trên máy, thì đã đến lúc bạn nên đánh giá lại mọi việc.
4. Bạn cảm thấy căng thẳng khi không làm việc
Cảm thấy áp lực khi làm việc là chuyện dễ hiểu. Nhưng cảm thấy căng thẳng khi bạn không làm việc lại là một dấu hiệu đáng cảnh báo. “Những người nghiện việc không thể thư giãn được trong kỳ nghỉ”, nhà tâm lý học Bryan E. Robinson, tác giả cuốn sách sắp xuất bản “Chained to the Desk” nói về những người nghiện việc, cho biết.
5. Bạn không bao giờ cảm thấy hài lòng
Bạn là người theo chủ nghĩa hoàn hảo. Đó là ưu điểm. Tuy nhiên, sẽ là vấn đề nếu bạn không bao giờ chịu công nhận thành tích, của cả bản thân lẫn đồng nghiệp hoặc cấp dưới.
6. Bạn hạ thấp những ưu tiên cá nhân
Bạn có chế nhạo cô bạn đồng nghiệp vì cô ấy lúc nào cũng thích đi nghỉ? Bạn có đưa ra những nhận xét “khó nghe” về anh bạn đồng nghiệp xin nghỉ việc để chăm sóc đứa con mới sinh? Những người nghiện việc thường ít quan tâm tới bản thân và gia đình, nên họ thường cảm thấy “khó hiểu” về những hành động như vậy của đồng nghiệp. Trên thực tế, việc điều trị bệnh nghiện việc bao gồm vạch ra một kế hoạch trong đó phân bổ thời gian cụ thể cho công việc, các mối quan hệ, vui chơi, và chăm sóc bản thân.
7. Bạn không có kỳ nghỉ thực sự
Thói quen hiện đại là làm việc một chút khi đang đi nghỉ và kiểm tra email thường xuyên. Nhưng nếu bạn làm việc nhiều hơn chơi trong kỳ nghỉ, có lẽ bạn đang có vấn đề. Kỳ nghỉ có lợi cho sức khỏe, tâm lý và năng suất lao động của bạn, vì thế, đừng để công việc chen lấn quá nhiều khi bạn đi nghỉ.
8. Bạn nghĩ tới công việc cả khi không làm việc
Theo tác giả Robinson, “người nghiện việc là người khi đang trượt tuyết cũng nghĩ tới công việc, còn người bình thường là đang làm việc vẫn nghĩ tới trượt tuyết”. Hãy cảnh giác khi các chủ đề công việc luôn ở trong tâm trí bạn khi bạn đang ở trong những hoạt động khác.
9. Bạn báo cáo công việc ngay cả khi bị ốm
Làm việc khi đang bị ốm là sai lầm, và bạn sẽ chẳng nhận được ích lợi gì khi làm vậy. Rất có thể, bạn sẽ mắc lỗi trong công việc nếu làm việc khi đang ốm. Bạn cũng có thể mất nhiều thời gian hơn để khỏi ốm.
10. Sức khỏe của bạn không tốt
Tương tự như nghiện ma túy, nghiện việc cũng có những ảnh hưởng tâm lý. Chuyên gia Robinson cho biết, có nhiều mức độ nghiện việc khác nhau, trong đó người mắc phải chứng này phải đối mặt với những vấn đề như nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và tiểu đường típ 2 cao hơn, hệ miễn dịch kém hơn, huyết áp cao, các vấn đề về tiêu hóa, và thường xuyên đau đầu.
11. Bạn lúc nào cũng sẵn sàng trong công việc
Bạn đã từng nói với đồng nghiệp là họ có thể gọi bạn bất cứ khi nào? Hãy rút lại câu nói đó, vì ai cũng nên đặt ra ranh giới rõ ràng giữa công việc và cuộc sống gia đình. “Sự thật là bạn cần phải yêu thương và chăm sóc bản thân thì mới có thể yêu thương và chăm sóc người khác, từ đó hoàn thành tốt sự nghiệp”, chuyên gia Marston nói.
12. Bạn giấu người thân làm việc
Tác giả Robinson đã kể câu chuyện về chứng nghiện việc mà chính ông đã có lúc mắc phải. Một lần đi nghỉ cùng gia đình, ông đã giấu một tập tài liệu công việc trong hành lý. Trong lúc mọi người vui chơi ngoài bãi biển, ông trốn vào phòng và làm việc “như điên”. Khi mọi người quay lại, ông giấu tài liệu đi và giả vờ ngủ. “Giờ thì tôi thấy mình thật sai lầm”, Robinson kết luận.
13. Bạn ôm đồm công việc
Lý do bạn làm việc trong một tổ chức là vì không ai có thể tự mình làm hết mọi việc. Hãy học cách để người khác hỗ trợ bạn. “Những người nghiện việc có xu hướng không thích làm việc theo nhóm vì họ nghĩ tự làm là tốt nhất”, Robinson nói.
14. Bạn không bao giờ từ chối sếp
Không chỉ sẵn sàng nhận thêm việc, bạn còn mong được giao thêm việc. Nghe thì có vẻ như bạn là một nhân viên tốt, nhưng thực ra, bạn đang rơi vào “vùng nguy hiểm”. Những nhân viên hiệu quả nhất biết nhận ra khi nào họ quá tải và lên tiếng. “Hãy trao đổi với sếp về nhiệm vụ hiện tại của bạn, chia sẻ những lo ngại nếu bạn bị phân công thêm việc”, chuyên gia Marston đưa ra lời khuyên.
15. Bạn hiếm khi nói “OK” với bạn bè
Nếu vì lý do công việc mà bạn luôn bỏ qua những khoảng thời gian hạnh phúc bên bạn bè và người thân, bạn rất có thể đã bị chứng nghiện việc. Khi đó, bạn bè của bạn thường nói “Tôi chẳng bao giờ thấy mặt cậu” hay “Cậu lúc nào cũng làm việc”. “Những người nghiện việc luôn nhận được những lời nhận xét từ bạn bè, và họ thường phớt lờ”, Robinson nói.
16. Bạn luôn ngập đầu trong công việc
Theo chuyên gia Robinson, “ôm” nhiều việc hơn khả năng xử lý là một đặc điểm khác của người nghiên việc. Hãy học cách nói “không” với làm việc quá tải và dành thời gian cho những cam kết cá nhân quan trọng khác.
17. Bạn không bao giờ cho mình là người nghiện việc
Những người nghiện việc thực sự không bao giờ chịu thừa nhận điều này. “Những người chế nhạo và cười đùa những người nghiện việc lại đúng là những người nghiện việc. Nghiện việc cũng giống như nghiện rượu, đó là người nghiện luôn phủ nhận”, chuyên gia Robinson kết luận.
Chìa khóa thành công (Theo Bản tin thị trường)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét